3 1

Khai mạc Hội thảo Bệnh lý Thú y châu Á lần thứ 9 (ASVP2019)

Sáng ngày 07/10/2019, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thảo Bệnh lý Thú y châu Á lần thứ 9 (ASVP2019) với chủ đề “Kỷ nguyên mới của sức khỏe động vật: Bệnh truyền lây giữa người và động vật, bệnh truyền qua thực phẩm, bệnh mới nổi và ung thư”

 

1 1

Toàn cảnh Lễ khai mạc

Tham dự buổi lễ, về phía đại biểu khách mời có: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, ông Paul Jansen – Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, bà Maria Fatima Phumbe – Tham tán toàn quyền, Đại sứ quán Mozambique, ông Richard Shih – Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, Đài Loan cùng hơn 350 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nhà nước Việt Nam và hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y.

Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lý Thú y châu Á, Giám đốc Học viện cùng đại diện Hội đồng Học viện, Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa, đơn vị chức năng của Học viện và các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên khoa Thú y.

2 1

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu chào mừng Hội thảo

Trong bài phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định Hội thảo Bệnh lý Thú y châu Á lần thứ 9 có ý nghĩa hết sức thiết thực. Đây là một diễn đàn để các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thú y và tình hình các loại dịch bệnh trên khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng chia sẻ: Gần đây, Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp tại hơn 20 quốc gia, đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi thế giới, kể cả các nước có điều kiện tốt về kiểm soát dịch bệnh.

Do đó, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi đang là một trong những ưu tiên ở nhiều quốc gia. Kết quả từ các nghiên cứu là cơ sở quan trọng, có tính quyết trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lý Thú y châu Á, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà khoa học, nhà quản lý, công ty và cá nhân vì sự đóng góp đối với Hội thảo Bệnh lý Thú y châu Á năm nay.

Giáo sư tin rằng: Hội thảo sẽ mang lại cho người tham dự nhiều thông tin quan trọng, sẽ đưa ra được các giải pháp hiệu quả để giải quyết được số một vấn đề trong thú y nói chung và bệnh lý thú y nói riêng. Thông qua các bài báo cáo, thảo luận, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra sự phát triển mới trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của lĩnh vực chăn nuôi, thú y.

3.3 1

GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lý Thú y châu Á, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ

Với sự tin tưởng của Hiệp hội Thú y châu Á đã giao quyền đăng cai tổ chức Hội thảo Bệnh lý Thú y châu Á lần thứ 9 cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thị Lan khẳng định đây là một niềm vinh dự to lớn đối với Học viện, là một phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong hoạt động phòng chống dịch bệnh cho động vật.

4.4 1

GS.TS. Nguyễn Thị Lan tặng quà lưu niệm cho đại diện các nước thành viên trong Hội Bệnh lý Thú y châu Á

Tại buổi Lễ khai mạc Hội thảo, các quý vị đại biểu đã được lắng nghe các báo cáo “Tổng quan tình hình chăn nuôi tại Việt Nam” do ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi trình bày; “Hiện trạng bệnh động vật tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y trình bày. Các báo cáo đã nêu bật được tình hình chăn nuôi cũng như hiện trạng bệnh động vật tại Việt Nam hiện nay. Hai báo cáo viên hi vọng thông qua Hội thảo năm nay, sẽ có nhiều những chia sẻ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh ngành chăn nuôi Việt Nam, khi đây là một một bộ phận quan trọng cấu thành nông nghiệp Việt Nam cũng như là một nhân tố quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

 

Đặc biệt, Hội thảo năm nay còn có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới về Dịch tả lợn châu Phi và ung thư như TS. Aruna Ambagala - Phòng tham chiếu về ASF của OIE tại Canada, TS. Francisco Javier Salguero Bodes - Trung tâm Y tế Công cộng, Vương quốc Anh, GS. Achariya Sailasuta - Nguyên chủ tịch Hội Thú y châu Á...

Các nhà khoa học quốc tế đều bày tỏ niềm vui khi năm nay Hội thảo Bệnh lý Thú y Châu Á được đăng cai tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngôi trường đại học hàng đầu về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các bài báo cáo của các nhà khoa học quốc tế được trình bày trong Hội thảo đã giới thiệu sơ lược về công nghệ phân tích, chẩn đoán tiên tiến trên thế giới trong phát hiện và phòng chống dịch bệnh ở động vật.

8.8

GS. Achariya Sailasuta – Đại học Chulalongkorn, Thái Lan trình bày báo cáo “Cải tiến thiết bị sử dụng Microfluidic trong phân tích tế bào đơn, mô hình u tế mào mast ở chó”

9.9

TS. Aruna Ambagala - Phòng tham chiếu về ASF của OIE tại Canada trình bày báo cáo “Chẩn đoán và nghiên cứu Dịch tả lợn châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển tại Trung tâm Quốc gia quản lý dịch bệnh động vật ngoại lai, cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada, Winnipeg, Canada”

Bên cạnh đó, để chia sẻ thêm về các nghiên cứu chuyên sâu, Hội thảo đã chia thành các chuyên đề với ba tiểu ban chính: Tiểu ban “Bệnh lý thú y”, tiểu ban “Những vấn đề thách thức ngành chăn nuôi hiện tại”, tiểu ban “Bệnh mới nổi”. Tại mỗi tiểu ban đều có sự tham gia trình bày báo cáo, tham luận của nhiều đại biểu quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam.

Lan Hương – TT QHCC&HTSV

Ảnh: Phúc Việt – TT QHCC&HTSV